Theo kế hoạch mới nhất, Long An sẽ xây dựng thêm 02 tuyến đường sắt, đồng thời nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối tại địa phương và khu vực.
Quy hoạch 2 tuyến đường sắt đô thị, 53 tuyến đường tỉnh
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics, Quyết định nêu rõ, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
Cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: Đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh, đường Tân Tập – Long Hậu.
Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý hoàn chỉnh; quỹ đất xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt 18% – 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị.
- Về đường sắt đô thị: Xây dựng mới 02 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn – Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới – Cần Đước.
- Về đường sắt chuyên dụng: Xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
Long An đặt kỳ vọng về phát triển kinh tế
Theo đề án quy hoạch tỉnh Long An, mục tiêu phát triển đến năm 2030, phấn đấu tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Quyết định, tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế – xã hội, sáu trục động lực”.
Thành phố Tân An là trung tâm chính trị – hành chính – đô thị hạt nhân – đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với kế hoạch xây mới 2 tuyến đường sắt và nâng cấp 53 đường tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Long An đang có những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển hạ tầng giao thông địa phương. Các công trình này không chỉ giúp tăng cường kết nối vùng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương mà còn đem lại lợi ích lớn cho người dân trong việc di chuyển và giao thương.
#quyhoachlongan #hatanglongan
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét